Ngày 21 tháng 6 năm 2024 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật số 33/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Lưu trữ năm 2024) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 nhằm thay thế thay thế cho Luật Lưu trữ năm 2011 được Quốc hội ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2011 và chính thức hết hiệu lực thi hành sau ngày 30 tháng 6 năm 2024.

1.  Sự cần thiết phải ban hành Luật Lưu trữ năm 2024

Luật Lưu trữ năm 2024 đã có những thay đổi phù hợp với nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của Chính phủ điện tử. Luật Lưu trữ năm 2024 kế thừa những quy định cơ bản còn giá trị sử dụng của Luật Lưu trữ năm 2011 và khắc phục những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ) để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

2. Mục tiêu, quan điểm

2.1. Mục tiêu

Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, hội nhập quốc tế.

Lưu trữ văn bản, tài liệu là trách nhiệm gắn liền với mỗi vị trí, đặc biệt ảnh hưởng xuyên suốt quá trình công tác của viên chức, người lao động Trường Đại học Cần Thơ.

2.2. Quan điểm

- Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về lĩnh vực lưu trữ.

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

- Bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ.

- Kế thừa các quy định còn phù hợp, bổ sung quy định mới để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011.

3. Căn cứ pháp lý ban hành

- Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

- Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tại điểm b khoản 1 mục IV đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia là: “Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước”.

4. Bố cục Luật Lưu trữ năm 2024

 Lưu trữ năm 2024 bao gồm 08 chương và 65 điều quy định phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; nghiệp vụ lưu trữ; trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; tài liệu lưu trữ được phát huy giá trị; hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; quy định về quản lý lưu trữ tư, chính sách của Nhà nước để phát triển lưu trữ tư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư, ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử, tặng cho Nhà nước tài liệu lưu trữ tư, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; hoạt động dịch vụ lưu trữ; Quản lý nhà nước về lưu trữ và các quy định khác liên quan việc thi hành Luật Lưu trữ năm 2024.

5. Những nội dung cơ bản của Luật Lưu trữ năm 2024

Những nội dung cơ bản cũng chính là những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 04 chính sách lớn gồm: (1) Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; (2) Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; (3) Quản lý tài liệu lưu trữ tư; (4) Quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Các chính sách trên được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024 và thể hiện cụ thể ở 06 nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam

Luật Lưu trữ năm 2024 mở rộng phạm vi thành phần của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; bổ sung tài liệu lưu trữ tư vào thành phần Phông lưu trữ Việt Nam. Quy định mới này vừa nhằm bảo đảm Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam vừa cho thấy giá trị và tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ tư (Khoản 1 Điều 9 Luật Lưu trữ năm 2024).

Thứ hai, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ

Luật Lưu trữ năm 2024 đã bổ sung và phân định rõ hơn về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, giúp phân chia rõ ràng và minh bạch thẩm quyền quản lý, đồng thời tăng cường khả năng bảo quản và tiếp cận tài liệu lưu trữ theo từng ngành, cấp độ. Đối với cơ sở giáo dục đại học, Điều 10 Luật Lưu trữ năm 2024 quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ tại như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý, bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tiền thân của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, nhân vật lịch sử, tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam (Khoản 1 Điều 10 Luật Lưu trữ năm 2024).

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tại lưu trữ hiện hành và tài liệu lưu trữ khác theo quy định của luật có liên quan (Khoản 5 Điều 10 Luật Lưu trữ năm 2024).

- Tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ tư, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tư (nếu có) (Khoản 6 Điều 10 Luật Lưu trữ năm 2024).

Thứ ba, bổ sung quy định mới về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số

- Quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ:

+ Về thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu (Điều 15 Luật Lưu trữ năm 2024).

+ Về thời hạn nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử (khoản 3 Điều 17 Luật Lưu trữ năm 2024).

+ Đối với hồ sơ có tài liệu đóng dấu chỉ độ mật hoặc tài liệu có đóng dấu chỉ độ mật chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi tài liệu được giải mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (Khoản 6 Điều 17 Luật Lưu trữ năm 2024).

- Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số

Luật Lưu trữ năm 2024 bổ sung nhiều quy định mới về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử như: Khẳng định tài liệu lưu trữ số có đầy đủ giá trị pháp lý như thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (khoản 3 Điều 7); quy định tài liệu lưu trữ tạo lập dạng số; bản số hóa tài liệu lưu trữ; kho lưu trữ số; các hoạt động thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.

Thứ tư, quy định về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ

Luật Lưu trữ năm 2024 quy định về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 về tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Cụ thể: Luật Lưu trữ năm 2024 đã thay đổi tên gọi “tài liệu lưu trữ quý, hiếm” thành “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Theo đó, một tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt phải đáp ứng được một trong các điều kiện về nội dung bào gồm: (i) Phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc, của ngành, lĩnh vực; (ii) Quá trình hình thành, xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, biên giới quốc gia; (iii) Công trình khoa học, sản phẩm tiêu biểu của ngành, lĩnh vực; (iv) Thân thế, sự nghiệp và đóng góp của cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu; (v) Tài liệu lưu trữ khác có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc hoặc thế giới và một trong số các điều kiện về hình thức xuất xứ sau đây: (i) Phương pháp, kỹ thuật trình bày đặc sắc, có tính thẩm mỹ và nghệ thuật; (ii) Đặc trưng, điển hình của thời kỳ lịch sử; (iii) Hình thành trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt về thời gian, địa điểm hoặc tác giả. Luật Lưu trữ năm 2024 cũng quy định trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết trình tự, thủ tục công nhận, hủy bỏ việc công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt nhằm khẳng định giá trị của tài liệu lưu trữ và bảo đảm việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Tại Luật Lưu trữ năm 2024 cũng đã xác định phát huy giá trị tài liệu lưu trữ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của công tác lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Những tài liệu có giá trị được phát huy bằng những hình thức khác nhau như: công bố; triển lãm giới thiệu tài liệu; biên soạn, phát hành xuất bản phẩm lưu trữ; lồng ghép trong hoạt động của cơ sở giáo dục; tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, hội nghị, hội thảo,...

Thứ năm, phạm vi của lưu trữ tư

Luật Lưu trữ năm 2024 xác định rõ phạm vi của lưu trữ tư, là lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức không phải là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Khoản 14 Điều 2 Luật Lưu trữ năm 2024). Đồng thời, Luật cũng quy định về trách nhiệm quản lý lưu trữ tư; chính sách của Nhà nước để phát triển lưu trữ tư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư; ký gửi tài liệu lưu trữ tư…

Thứ sáu, quy định “Ngày lưu trữ Việt Nam”

Luật Lưu trữ năm 2024 đã chính thức công nhận ngày 03/01 hằng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ và ghi nhận công lao, đóng góp của người làm lưu trữ.


Trường Đại học Cần Thơ trân trọng giới thiệu đến toàn thể viên chức, người lao động và người học trong Trường tìm hiểu toàn văn Luật Lưu trữ năm 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2024 và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo đường link sau:

LUẬT LƯU TRỮ NĂM 2024

Thông báo

Liên kết Website

Phòng Thanh tra - Pháp chế, Đại học Cần Thơ
Lầu 3, Nhà điều hành - Khu II đường 3-2 Tp Cần Thơ
 Điện thoại: (0292) 3872 114